Tôi có dịp được ra thăm thành phố Huế trong tiết trời mùa thu se lạnh, đang trên đường trở về khách sạn sau chuyến lang thang chưa có kế hoạch rõ ràng thì tôi nghe tiếng mời gọi: “Chị ơi, đêm nay bên hoàng thành có hội. Chị có muốn đi dạo bằng xích lô không?”
Cảm thấy hấp dẫn ngay từ lời mời gọi đầu tiên của anh lái, song tôi đành từ chối vì tôi muốn được nghỉ ngơi. Kể ra thì một chuyến dạo chơi đêm trên chiếc xích lô thanh nhã, tản mạn mấy câu chuyện kinh thành và thưởng thức vài món ăn khuya cũng là cái thú khó quên. Bù lại, ngay đêm hôm sau, tôi và một cô bạn đã tranh thủ làm cuốc xích lô “mini” để ngắm thành phố đêm, dẫu hơi tiếc vì đã qua đêm hội.
>>Tin mới: Dạo quanh Vũng Tàu bằng xích lô, mới lạ và hấp dẫn <<
Không ít người khi đến Huế đã hỏi: “Sao xích lô ở Huế lại nhiều đến thế?” Quả thực, xích lô hiện diện ở hầu hết mọi nẻo đường, đặc biệt là các đường phố ven sông Hương và những khu khách sạn trong nội thành – nơi tập trung nhiều du khách.
Xích lô vốn là dấu ấn của một thời nghèo khổ, được dùng làm phương tiện chuyên chở chính cho những người không có xe riêng, kiểu như xe ôm bây giờ. Chất lượng sống tăng lên và đô thị ngày càng nhộn nhịp, những tưởng chiếc xích lô sẽ biến mất dần theo năm tháng, nhưng không, xích lô vẫn tồn tại như một kỷ niệm của lịch sử, không những thế, còn trở thành một thú vui tao nhã của những người khách đến cố đô.
Ở Huế, khu vực nội thành không lớn lắm, chia thành hai bờ Nam Sông Hương và Bắc Sông Hương. Bờ Nam là khu hành chính, trường học, khách sạn…, bờ Bắc là khu thương mại, hoàng thành. Thời điểm thích hợp nhất để dạo mát bằng xích lô là buổi tối hoặc chiều khi trời đã tắt nắng – thưởng thức làn gió mát từ sông thổi lên và ngắm thành phố về đêm hoặc lúc hoàng hôn.
Xích lô chạy từ từ như xe đạp, băng qua những con đường rợp bóng cây xanh, qua dòng sông xanh êm đềm chảy giữa lòng thành phố, khiến tâm hồn lâng lâng một khúc lãng du. Khi đêm về, ánh đèn rọi qua vòm lá tạo thành những đốm sáng trắng lay động trên khắp nẻo đường. Đi dạo bằng xích lô có cái tiện là có thể chủ động dừng lại để chụp ảnh nơi mình thích hoặc tạt vào quán chè, quán nước nhâm nhi chút gì đó mà vẫn được chờ.
Do thường xuyên phục vụ khách du lịch nên những người lái xích lô hiểu biết khá nhiều, bản tính người dân Huế lại hiền hòa nên họ thường để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Họ có thể kể những câu chuyện xưa và nay, giới thiệu các điểm ăn chơi trong thành phố, cả những nơi để khách mua quà, mua đặc sản vừa rẻ vừa ngon. Trong giới xích lô không ít người thạo ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Pháp; có những người đọc thơ và nói điển tích rất “mùi”. Những chiếc xích lô gọn gàng và sạch sẽ, không quá cồng kềnh mà cũng không quá chật để khách có thể thư thái ngắm cảnh phố phường. Giá đi dạo mỗi bờ là 50.000 đồng, thường mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nếu đi cả hai bờ Nam Bắc thì giá gấp đôi.
Chiếc xích lô chở chúng tôi hòa lẫn trong dòng xích lô trôi êm qua các nẻo đường, lướt dưới những vòm cây lung linh đốm sáng. Lời kể chuyện của anh lái đằng sau những vòng xe với những giọt mồ hôi thầm lặng khiến tôi nhớ đến mấy câu thơ trong bài “Giọt nước Hương Giang” của thi sĩ Nguyên Văn Phương (còn gọi là Phương xích lô) – cũng là một anh lái xích lô Huế đã từng xuất bản 2 tập thơ “Chở gió” và “Xích lô hành” – về cái nghiệp mưu sinh của họ:
“Hạt muối hòa tan trong ly nước
Tôi cũng hòa tan giữa cuộc đời
Làm tên phu xe qua ngày tháng
Chở bao tiếng khóc lẫn nụ cười
Vắng khách đôi khi về chở gió
Không tiền không bạc vẫn cười vang
Dừng lại bên cầu nghe nước chảy
Chợt thấy mình: một giọt nước Hương Giang.”